Sự trỗi dậy của những nhóm nhạc đã qua thời hoàng kim

Năm qua, nhiều nhóm nhạc thuộc thế hệ thứ 2 được chú ý trở lại, chẳng hạn 2PM, After School, SNSD. Trước đó, họ dừng hoạt động trong thời gian dài.

2PM, After School, SHINee, Super Junior, Teen Top, T-ara... là các nhóm nhạc ra mắt từ cuối những năm 2000 hoặc đầu thập niên 2010. Sau thời gian gián đoạn, họ trở lại hoạt động tích cực trong vài tháng qua. Thậm chí, Junho - thành viên nhóm 2PM - 2 tháng liên tiếp lọt vào top 3 bảng xếp hạng giá trị thương hiệu do Viện Nghiên cứu Kinh doanh Hàn Quốc công bố bên cạnh những thần tượng trẻ thuộc thế hệ thứ 3, 4.

Sự nổi tiếng trở lại của những nhóm nhạc kể trên đang mở ra kỷ nguyên mới ở Kpop. Lâu nay, những nhóm nhạc lớn tuổi và hoạt động nhiều năm khó tồn tại ở Kpop. Nhưng 2PM, SHINee, Super Junior, Big Bang đang chứng minh điều ngược lại.

Sự nổi tiếng trở lại của các nhóm nhạc thế hệ thứ 2

Các nhóm ra mắt và hoạt động vào cuối những năm 2000, đầu thập niên 2010 thường được gọi là thế hệ thần tượng thứ 2. Đó cũng là quãng thời gian, người hâm mộ chứng kiến Kpop bắt đầu có sức ảnh hưởng ở thị trường quốc tế. Khi ấy, Wonder Girls và SNSD xuất hiện trên các chương trình truyền hình phương Tây đồng thời thống trị bảng xếp hạng âm nhạc trong nước với những bài hát kinh điển.

Hàng loạt thành tích được thiết lập giúp những nhóm nhạc ra mắt giai đoạn này tạo nên thế hệ hoàng kim mà đến giờ nhiều fan Kpop không thể quên.


2PM phát hành sản phẩm mới sau 5 năm im ắng.

Thời gian trước, nhiều nhóm trong số những cái tên kể trên đã có sự thay đổi. Một số thành viên tách khỏi nhóm để theo đuổi con đường riêng như diễn xuất, ca sĩ solo hoặc làm MC. Đối với nhóm nhạc nam, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng khiến khả năng quảng bá của họ trở nên hạn chế hơn.

Khi hàng loạt nhóm nhạc đàn em như BTS, TWICE, BlackPink ra mắt và thành công vang dội, công chúng tưởng như kỷ nguyên vàng của thần tượng thế hệ thứ 2 đã trôi qua.

Tuy nhiên, đến năm 2021, công chúng chứng kiến ​​sự trỗi dậy của đông đảo các nhóm thế hệ thứ 2. Những chương trình như MMTG đã đưa các nhóm nhạc Teen Top, After School trở lại. “Thần tượng dã thú” 2PM ra mắt ca khúc mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ca khúc chủ đề của nhóm là Make It, được chia sẻ rộng rãi với hình ảnh trưởng thành hơn.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, các thành viên 2PM cho thấy sự thay đổi rõ rệt cả về hình ảnh lẫn âm nhạc. Sau album Must phủ sóng thị trường âm nhạc trong nước, 2PM chuẩn bị phát hành sản phẩm mới tại Nhật Bản. Trong khi đó, Super Junior cũng kỷ niệm 15 năm thành lập với album The Renaissance.

Sáng 28/7, tờ News1 đưa tin SNSD có thể tái hợp với đủ 8 thành viên trong chương trình Yoo Quiz On The Block. Nếu thông tin này chính xác, đây là lần kết hợp đầu tiên của nhóm sau 4 năm phát triển các hoạt động solo.

Trước đó, các nhóm Big Bang, 2AM cũng thông báo chuẩn bị trở lại với sản phẩm mới. Ngày 1/7, 4 thành viên Jiyeon, Qri, Eunjung và Hyomin của nhóm nhạc T-ara cùng nhau tham gia chương trình Knowing Bros.



Khán giả mong đợi sự trở lại của SNSD.

Lý do đằng sau sự trỗi dậy

Một trong những lý do khiến Kpop thế hệ thứ 2 được chú ý trở lại trong năm 2021 là sự hiện đại hóa của công nghệ. Trước đây, người hâm mộ thuộc thế hệ 8X, đầu 9X thường ít có cơ hội giao lưu với thần tượng.

Hiện tại, phương tiện truyền thông hiện đại đã làm cho sự tương tác giữa fan và thần tượng gần gũi hơn. Sự phát triển của loại hình vlog cho phép các thần tượng thể hiện cuộc sống hàng ngày của họ.

Do đó, khi các thần tượng Kpop thế hệ thứ 2 hoạt động trở lại, họ khơi gợi một thời thanh xuân đã qua.

Ngoài ra, các chương trình giải trí đa dạng cũng đóng vai trò to lớn trong việc giới thiệu các nhóm thế hệ thứ 2 với công chúng. Một lợi thế mà nhóm nhạc thế hệ thứ 2 có được so với các nhóm hiện tại là sự am hiểu về lịch sử ngành giải trí và mối quan hệ rộng rãi.

Tập 287 của Knowing Bros phát sóng ngày 3/7 có sự tham gia của 2PM đạt tỷ suất người xem là 4.338%. Đây là tập phát sóng có sự tham gia của nhóm nhạc thần tượng đạt rating cao nhất năm 2021 của Knowing Bros.

Ngoài kênh truyền hình, sự gia tăng của các chương trình tạp kỹ mới trên nền tảng mạng xã hội cũng giúp thúc đẩy sự trở lại các nhóm thế hệ thứ 2. MMTG là một ví dụ, khi người dẫn chương trình Jaejae mang nhóm nhạc After School, Nine Muse, 2PM trở lại thông qua một sự kiện âm nhạc và để họ biểu diễn những ca khúc nổi tiếng.

Trưởng nhóm After School Kahi đã là bà mẹ 2 con trong khi các thành viên khác đều ở độ tuổi 30. Đã lâu không hoạt động nhưng khi biểu diễn cùng nhau, họ cho thấy sự ăn ý, vũ đạo đẹp mắt. Tiết mục của After School sau đó nổi tiếng trên các trang mạng và hiện đạt 7,3 triệu lượt xem.



Nhóm nhạc Nine Muses trong show MMTG.

Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên sự trỗi dậy của thế hệ thứ 2 đó là khác biệt về phong cách, âm nhạc trong mỗi giai đoạn.

Các nhóm nhạc Kpop thế hệ thứ 3, 4 thường theo đuổi âm nhạc hip hop, âm thanh mạnh mẽ, dồn dập với vũ đạo ngày càng nhanh và phức tạp. Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc hiện giờ khá khó nghe và bão hòa.

Người hâm mộ của những thế hệ đầu tiên cảm thấy lạc lõng, không theo kịp tốc độ phát triển của Kpop hiện giờ. Do đó, khi thế hệ thứ 2 trở lại với âm nhạc đơn giản, dễ nghe hơn, họ được các fan lâu năm đón nhận.

Sự phục hưng của thế hệ thứ 2 được hoan nghênh, thậm chí báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong Kpop, nơi sự trưởng thành và tuổi tác được tôn vinh hơn bị coi thường.

Sự phổ biến của công nghệ mang lại cho họ nhiều không gian hơn để thử nghiệm nội dung mới và tiến lên phía trước với lượng khán giả lớn hơn, sẵn sàng tiêu thụ bất cứ thứ gì họ sản xuất. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một cái gì đó mới mẻ.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com