Vấn đề tồn tại của giới làm nhạc

Nhiều nhà sản xuất và ca sĩ cho biết họ đủ sức tạo ra sản phẩm chất lượng đúng nghĩa, nhưng đang phải kìm lại để phục vụ khán giả đại chúng.

"Năng lực thật sự có thể đến 7, 8 phần, nhưng chỉ được sử dụng khoảng 5 phần", một ca sĩ đang hoạt động trên thị trường chia sẻ cùng Zing về vấn đề đang tồn tại ở nhạc Việt.

Ca sĩ này chia sẻ thêm: "Khi bắt tay sản xuất ca khúc, thay vì ê-kíp ngồi xuống, bàn bạc làm sao để cho ra sản phẩm chất lượng nhất. Điều đầu tiên chúng tôi làm là đặt câu hỏi phải sản xuất ra sao để phục vụ thật nhiều người nghe?".

Đó là lý do thị trường nhạc Việt những năm gần đây thiếu sản phẩm thật sự chất lượng và mang tính đột phá theo đà phát triển quốc tế. Mặt bằng chung của thị trường vẫn là những sản phẩm theo mô tuýp an toàn. Còn những ca khúc được đầu tư như Hãy trao cho anh, The Playah… chỉ mang tính chất như tia sét chiếu sáng và liền vụt tắt.


Ê-kíp hoành tráng tạo nên bản The Playah chất lượng.

Thế khó vì thị hiếu

Châu Đăng Khoa là nhạc sĩ có thực lực và xu hướng quốc tế trên thị trường nhạc Việt. Thời mới vào nghề, Châu Đăng Khoa nhắm đến yếu tố chất lượng và khác biệt. Nhưng thực tế không như Châu Đăng Khoa nghĩ, bởi cách tiếp cận của khán giả đại chúng Việt Nam khác hẳn.

"Tôi đặt câu hỏi mình muốn gì trên con đường này. Câu trả lời là muốn bản nhạc của mình ở trên môi hàng triệu khán giả, khi đến quán xá cafe, karaoke đều được nghe âm nhạc của mình vang lên. Đó là lý do tôi thay đổi", Châu Đăng Khoa trải lòng cùng Zing.

Ba năm qua, Châu Đăng Khoa gặt lấy thành công từ những bản hit Rn’b pha rap Người lạ ơi, Tình nhân ơi, Chân ái và mới nhất là Nhớ người hay nhớ. Màu sắc Rn’b pha rap là công thức hiệu quả để tạo hit Vpop. Trước đó, Sơn Tùng M-TP được xem là cái tên giúp phổ biến màu sắc Rn’B pha rap trên thị trường, từ bước ngoặt của Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua.

Bên cạnh Rn’B, ballad và pop ballad là những công thức tiếp theo, thậm chí khả năng thành công còn lớn hơn. Orange đã chọn màu sắc ballad cho ca khúc solo đầu tiên trong sự nghiệp. Cô chia sẻ: "Tôi muốn làm những thứ hầm hố cho sự nghiệp. Nhưng với bước khởi đầu, một ca khúc ballad là sự lựa chọn an toàn để rút ngắn thời gian tiếp cận số đông khán giả".

Thị trường nhạc Việt đã đi một vòng luẩn quẩn trong 10 năm theo cách như thế: ca sĩ muốn tạo hit phải làm theo công thức quen thuộc - khán giả cũng xem đó là "món ăn tinh thần" dễ hấp thụ nhất - và quay ngược vấn đề, ca sĩ cũng không không mạo hiểm để làm ra thứ mới, khi mà họ nắm phần bại nhiều hơn thắng.

Sự xuất hiện của dòng Latin (Hãy trao cho anh), màu sắc funk, disco (The Playah), hoặc gần đây có Mỹ Anh – giọng ca trẻ hiếm hoi theo đuổi chất liệu Rn'B/soul – cùng một số bản nhạc jazz, EDM (nhạc điện tử). Còn bản chất thị trường trong 10 năm qua không thay đổi quá nhiều, ngoại trừ sự trỗi dậy của Rn’b và rap, nhưng số lượng ca khúc ballad, pop ballad vẫn chiếm số đông.

Một ca sĩ đưa ra quan điểm về chất lượng nghệ sĩ Việt: "Việt Nam có thể đi sau thế giới về lịch sử phát triển âm nhạc, nhưng đây là bộ môn có thể tiếp thu nhanh. Trình độ ca sĩ, giới sản xuất âm nhạc Việt Nam rất tốt, chỉ là họ chưa có cơ hội".

Ca sĩ này lấy dẫn chứng từ The Heroes - chương trình âm nhạc theo mô tuýp hiện đại, tôn vinh cả ca sĩ và giới sản xuất âm nhạc. Nhìn các tiết mục trong The Heroes để thấy cách tạo ra bản phối của producer Việt rất tốt. Họ đưa vào đó chất liệu âm nhạc thời thượng, sử dụng nhạc cụ linh hoạt.

Sáu năm trước, The Remix một thời gây sốt cũng với công thức làm mới những bản nhạc cũ. Soobin Hoàng Sơn bước ra ánh sáng từ chương trình đó, tỏa sáng trên mọi thể loại remix. Nhưng khi bước ra thị trường, Soobin khởi đầu an toàn bằng những bản nhạc ballad, pop ballad. Và gần đây, anh trở lại bằng các sản phẩm hiện đại hơn hẳn, với The Playah là điểm nhấn.

Soobin là một ví dụ cho chuyện nhiều ca sĩ Việt có nội lực tốt, sẵn sàng tạo ra giá trị mới, "chất" đúng nghĩa theo guồng âm nhạc thị trường thế giới. Vấn đề là không phải ai cũng có cơ hội để thỏa thích làm nhạc theo đúng năng lực bản thân.



Nhạc Việt không thiếu nhà sản xuất giỏi. Vấn đề là họ đang bị gò bó so với khả năng thật sự.

Học hỏi điều gì từ âm nhạc quốc tế?

Thị trường US - UK (Âu - Mỹ) luôn được coi là trung tâm của làng nhạc thế giới. Các nghệ sĩ ở những nền âm nhạc hàng đầu châu Á - như Kpop - và Australia cũng tìm đường sang Âu - Mỹ nhằm lan tỏa âm nhạc đến khán giả toàn cầu.

Làng nhạc Âu - Mỹ cũng chuyển dịch theo chu kỳ 10 năm. So với giai đoạn 2010-2020, lứa ca sĩ đang đứng ở đỉnh cao làng nhạc xuất hiện nhiều gương mặt mới, bên cạnh dàn ngôi sao đang ở độ chín sự nghiệp như Taylor Swift, Justin Bieber, The Weeknd, Cardi B, Ariana Grande…

Các nghệ sĩ Âu - Mỹ đang hoạt động theo xu hướng kết hợp, pha trộn nhiều chất liệu trong các ca khúc.

Ví dụ, từ chất liệu pop, các ca sĩ đi sâu vào màu nhạc này, tạo ca những sản phẩm biến thể như synth pop, city pop, dance pop, pop rock… Rất khó để một khán giả đại chúng có thể tự phân biệt màu sắc âm nhạc của từng ca khúc Âu - Mỹ hiện tại. Lớp ca sĩ Gen Z - như The Kid LAROI - thuộc hình mẫu toàn diện, do đó đang tạo ra những nét đột phá.

Pop đang là số 1 trên thị trường Âu - Mỹ. Lớp nghệ sĩ rap/hip hop, Rn’b/soul, EDM (chủ yếu ở các dòng dubstep, trap, house) đang có nhiều đất dụng võ. Đó là các xu hướng âm nhạc đang phủ sóng làng nhạc Âu - Mỹ.

Sự phát triển của thị trường Âu - Mỹ được thể hiện đậm nét ở yếu tố sản xuất âm nhạc. Như quan niệm từ Only C: "Chất lượng một ca khúc Việt về nội dung, giai điệu ở mức khá trở lên. Nhưng khâu sản xuất âm nhạc rõ ràng vẫn chưa phát triển".

Ê-kíp làm nhạc cho đa phần ca khúc Việt chỉ tính bằng vài người, trong khi những nghệ sĩ Âu - Mỹ chọn ê-kíp vài chục người. Ví dụ ca khúc Shivers mới ra mắt của Ed Sheeran, riêng vai trò sản xuất âm nhạc, từng nhạc cụ trống, bass, keyboard được đảm trách chuyên biệt. Công đoạn sản xuất của nghệ sĩ Âu - Mỹ được bóc tách cụ thể theo từng vai trò, do đó tổng hòa của một sản phẩm được đầu tư chỉn chu.

Các ca sĩ quốc tế coi trọng vai trò mix-mastering từ hàng chục năm. Nhưng trên thị trường nhạc Việt, nhiều ca sĩ vẫn chưa định lượng đúng mức quá trình đó. Ngay lúc này, số đông khán giả chưa để ý khâu mix-mastering, bởi điều kiện và nhu cầu nghe nhạc chưa ở mức tốt nhất. Nhưng để nhạc Việt chuẩn hóa sự chuyên nghiệp, đây là bước không thể coi nhẹ trong quy trình sản xuất.

Hoaprox - producer thuộc dòng nhạc điện tử - từng có cơ hội làm việc với ê-kíp đình đám của Alan Walker. Một trong những bài học "xương máu" Hoaprox đúc kết ra là phải tỉ mỉ, chất lượng nhất có thể ở khâu mix-mastering. Bởi khi phát hành ở thị trường quốc tế, các hãng đĩa hàng đầu thẩm định rất kỹ chất lượng âm thanh.

Một ca khúc chất lượng tới đâu cũng khó thuyết phục người nghe nếu mix-mastering không "tới nơi, tới chốn".

Theo zing.vn

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com