Ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây và hiệu ứng gió phơn, từ ngày 31/3 nhiều tỉnh ở Tây Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ngày từ 35 độ trở lên. Hôm qua, Phù Yên (Sơn La) nóng 41 độ C, hôm nay Mai Châu (Hòa Bình) xấp xỉ 40 độ. Trước đó ngày 5/3, Tây Bắc Bộ nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất lên 37 độ C, có nơi trên 38 độ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), đánh giá năm nay Bắc Bộ nắng nóng sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1,5 tháng, Trung Bộ và Nam Bộ sớm hơn một tháng. Nhiệt độ trung bình tháng 3/2024 trên toàn quốc cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1,5 độ C, riêng một số nơi Tây Bắc Bộ cao hơn 2 độ C.
Trong tháng 3, cơ quan khí tượng ghi nhận 16 giá trị nhiệt độ cao nhất bị phá vỡ. Trong đó, giá trị tồn tại lâu nhất (38 năm) bị phá vỡ là tại Đình Lập (Lạng Sơn) với mức nhiệt ngày 5/3 là 36 độ C.
Người lao động ở Hà Nội, năm 2023. Ảnh: Ngọc Thành.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định tháng 4 nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 1-2 độ C. Tính chung cả mùa hè, số đợt nắng nóng sẽ nhiều hơn, cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm (trung bình mỗi năm cả nước có 15 đợt nắng nóng), có thể xuất hiện mức nhiệt cao lịch sử.
Bà Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho rằng nắng nóng miền Bắc đến sớm là do tác động của việc Trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino. Thời gian tới, mặc dù El Nino suy yếu và đang chuyển pha sang La Nina, nhiều khả năng nhiệt độ trung bình ở hầu khắp cả nước cao hơn trung bình nhiều năm. Một số địa phương có thể xuất hiện kỷ lục nhiệt độ cao.
"Nhiệt độ bắt đầu tăng nhanh ở các vùng kết hợp với tình trạng thiếu hụt mưa và khô hạn kéo dài nhiều tháng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, đặc biệt là những khu vực có thảm thực vật khô, hệ sinh thái dễ bị ảnh hưởng", bà Ngà cảnh báo.
Theo vnExpress.net
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
saoonline.net.vn@gmail.com